Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với cá nhân là 1 tỷ đồng, đối với tổ chức là 2 tỷ đồng.
Các thùng thu gom chất thải đã phân loại được dán nhãn rõ ràng để người dân dễ nhận biết. Ảnh: TTXVN |
Cùng một loại hành vi vi phạm, tổ chức bị xử phạt với mức phạt tiền gấp hai lần cá nhân. Đối tượng vi phạm còn bị tước quyền sử dụng có thời hạn đối với giấy phép môi trường; giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; giấy phép tiếp cận nguồn gene; giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gene; quyết định công nhận phòng thí nghiệm nghiên cứu sinh vật biến đổi gene; quyết định công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gene hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cá nhân, tổ chức vi phạm cũng bị tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; tịch thu sản phẩm có giá trị sau khi tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.
Nghị định quy định rõ mức phạt với từng loại hành vi vi phạm, trong đó có các hành vi vi phạm trong đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường; xả thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn ra môi trường… Đáng lưu ý, nghị định quy định, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Cũng tại Nghị định, một trong những điểm mới chi tiết về các mức xử phạt hành chính với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm kê khí nhà kính. Cụ thể:
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo quy định;
b) Không lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính theo quy định;
c) Thẩm định báo cáo không đúng lĩnh vực đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
Đồng thời phải có biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cung cấp thông tin đúng, đầy đủ trong báo cáo kiểm kê khí nhà kính, báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính đối với các hành vi quy định tại khoản 2 Điều này (Điều 45 của Nghị định);
b) Buộc lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính, báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính cho (các) năm nộp chậm, nộp thiếu và chịu mọi phí tổn phát sinh nếu có đối với các hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 3 Điều này;
c) Buộc hủy kết quả thẩm định báo cáo kiểm kê khí nhà kính, báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính đối với hành vi vi phạm tại điểm c khoản 3 Điều này.
Hình ảnh: Các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ