Theo điều 17 của Nghị định thư Kyoto, thị trường các-bon được hiểu là việc cho phép các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thiểu nhiều hơn/ít hơn mục tiêu cam kết. Do đó trên thế giới đã xuất hiện một dạng hàng hóa mới, được tạo ra dưới dạng chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do CO2 là khí nhà kính và là quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên được gọi là mua bán, trao đổi các-bon.
Từ khi Nghị định thư Kyoto ra đời, thị trường các-bon đã phát triển mạnh tại các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ và cả ở Châu Á với hai loại thị trường chính là thị trường các-bon bắt buộc và thị trường các-bon tự nguyện, Hiện nay, trong xu thế biến đổi khí hậu toàn cầu, các quốc gia thông qua thỏa thuận Paris phải đệ trình Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), từ đó sẽ mở ra cơ hội lớn cho sự hình thành và phát triển thị trường các-bon trên thế giới nói chung cũng như thị trường các-bon tự nguyện nói riêng. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế cho phát triển thị trường các-bon tự nguyện, trước hết là việc Việt Nam đã thể hiện cam kết của mình về việc cắt giảm KNK trong NDC cập nhật (2020) lên Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) với lượng phát thải KNK khoảng 9% vào năm 2030 so với phát triển thông thường bằng nguồn lực trong nước có thể lên tới 27% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế. Ngoài ra, trong hợp tác quốc tế liên quan đến giảm nhẹ, Việt Nam cũng đã nhận được một số hỗ trợ trực tiếp từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP),… Một vấn đề quan trọng nữa là hiện nay Chính phủ Việt Nam cũng đang có chủ trương chuyển đổi nên kinh tế theo hướng bền vững, phát triển các-bon thấp sẽ là tiền đề quan trọng để hỗ trợ cho việc phát triển thị trường các-bon. Việt Nam tham gia vào thị trường các-bon nội địa sẽ góp phần chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm KNK và phát triển kinh tế đất nước theo mục tiêu xanh bền vững.
Đối với Việt Nam, khi tham gia vào các thỏa thuận và hiệp ước quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ có điều kiện thúc đẩy hoạt động mua bán và trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế, do đó cùng với việc thực hiện CDM, tháng 11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1775/QĐ-TTg phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới với mục tiêu là quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thế mạnh đối với tạo tín chỉ các-bon, điều này được thể hiện trong tiềm năng về giảm thải khí nhà kính của Việt Nam trong NDC đó là việc ước tính tiềm năng giảm phát thải đối với các lĩnh vực như: Lĩnh vực năng lượng tiềm năng giảm phát thải khoảng 76 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực nông nghiệp giảm khoảng 45 triệu tấn CO2tđ; linh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp giảm khoảng 66 triệu tấn CO2 tđ; lĩnh vực chát thải khoảng 24 triệu tấn CO2tđ. Bên cạnh đó, các dự án về trồng rừng làm tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính, các dự án CDM hay các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia khi được thực hiện cũng sẽ tạo ra một nguồn tín chỉ các-bon để thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Áp dụng các công cụ định giá các-bon được xác định là biện pháp hữu hiệu góp phần hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các quốc gia trên thế giới. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước. Theo đó, thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định lộ trình phát triển thị trường các-bon. Theo đó, sàn giao dịch tín chỉ các-bon được thành lập và tổ chức vận hành thí điểm kể từ năm 2025. Để tạo hành tháng pháp lý cho việc xây dựng chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, từ đó có lượng tín chỉ các-bon được giao dịch trên sàn từ năm 2025, quy định về thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước cần sớm được ban hành.
TS Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ tầng ô-dôn và Phát triển kinh tế các-bon thấp, Cục Biến đổi khí hậu trình bày về đề xuất nhiệm vụ Khảo sát, đánh giá quy định và hiện trạng thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế tại Việt Nam, đề xuất cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon
Trong thời gian qua có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước đã tham gia thực hiện các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto. Từ năm 2021 trở đi, các bên nước thực hiện mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết nhằm thực hiện quy định tại Thỏa thuận Paris. Các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon theo quy định tại Điều 6 Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cũng sẽ được phê duyệt và áp dụng. Các chương trình, dự án CDM đang được triển khai có thể được chuyển đổi sang cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quy định tại Điều 6 Thỏa thuận Paris với điều kiện đảm bảo các tiêu chí. Dự kiến các tiêu chí này sẽ được ban hành tại Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vào cuối năm 2022. Việc đánh giá hiện trạng, điều kiện, tiềm năng chuyển đổi các chương trình, dự án theo CDM sang cơ chế trao đổi bù trừ, tín chỉ các-bon mới đang được Cục Biến đổi khí hậu rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đây là nội dung rất cần thiết nhằm hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước có đầy đủ căn cứ để quy định các thủ tục trong nước và hỗ trợ các tổ chức là các bên tham gia các chương trình, dự án thực hiện việc chuyển đổi.