Thứ năm, Tháng Một 23, 2025

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
CỤC BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN CÁC-BON THẤP

Trang chủTN&MTĐóng góp tài chính - quyết định thành công hoạt động xử...

Đóng góp tài chính – quyết định thành công hoạt động xử lý, tái chế chất thải – Quản lý và sử dụng minh bạch, hiệu quả

Để nghĩa vụ đóng góp bảo vệ môi trường (BVMT) của các doanh nghiệp có bao bì thải bỏ được thực thi một cách nghiêm túc, đầy đủ, cũng như để quản lý, sử dụng nguồn đóng góp một cách hiệu quả là cả bài toán lớn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT.

PV: Thưa ông, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có quy định nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, xin ông cho biết rõ hơn về quy định này?

8-2-.jpgÔng Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT

Ông Phan Tuấn Hùng: Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) gồm 2 trách nhiệm cụ thể: trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì (Điều 54) và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải (Điều 55). Đối với trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì thì doanh nghiệp có lộ trình thực hiện cụ thể, một số sản phẩm, bao bì sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2024; một số sản phẩm sẽ thực hiện từ ngày 1/1/2025 và một số sản phẩm sẽ thực hiện từ 1/1/2027. Đối với trách nhiệm thu gom, tái chế chất thải thì không có lộ trình và doanh nghiệp sẽ thực hiện trách nhiệm này kể từ ngày 1/1/2022.

Đối với trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có trách nhiệm tổ chức tái chế; trường hợp không tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng tiền vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế. Đây không phải là khoản đóng góp bắt buộc, nhà sản xuất, nhập khẩu có quyền lựa chọn tổ chức tái chế hoặc đóng tiền hỗ trợ tái chế.

Đối với trách nhiệm xử lý chất thải, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý sau tiêu dùng, phải có trách nhiệm đóng góp tiền vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải. Đây là khoản đóng góp bắt buộc đối với nhà sản xuất, nhập khẩu.

Theo đó, các khoản đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ được hạch toán riêng, tài khoản tiếp nhận riêng và được sử dụng cho các mục đích khác nhau. Tiền đóng góp hỗ trợ tái chế thì chỉ được sử dụng cho mục đích tái chế các sản phẩm, bao bì và tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải thì chỉ được sử dụng cho mục đích thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Hiện nay, trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu đã có hiệu lực thi hành và doanh nghiệp phải nộp bản kê khai trước ngày 31/3/2022 và nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải trước ngày 20/4/2022 về Quỹ BVMT Việt Nam.

PV: Như vậy, đến nay đã hơn 2 tháng kể từ thời hạn cuối các doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ đóng góp tài chính của mình. Ông có thể cho biết rõ hơn về tình hình đóng góp của các doanh nghiệp, cũng như là những giải pháp để buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm nghĩa vụ của mình?

Ông Phan Tuấn Hùng: Theo báo cáo của Quỹ BVMT Việt Nam, cơ bản các nhà sản xuất, nhập khẩu đã thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm này, tuy nhiên hiện vẫn còn một số nhà sản xuất, nhập khẩu, bao gồm các doanh nghiệp lớn chưa nghiêm túc thực hiện.

Hiện nay, Bộ TN&MT đã có danh sách các doanh nghiệp này và sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.

Xin lưu ý, hành vi không kê khai, không nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải trước ngày Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT ban hành vẫn bị xử phạt bởi đây là các hành vi vi phạm đang được thực hiện và thời hiệu xử phạt là 2 năm kể từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

Việc thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, việc này nhằm bảo đảm sự tuân thủ và nghiêm minh của pháp luật mà còn là bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Không thể để tình trạng trong cùng một ngành hàng mà doanh nghiệp này thực hiện trong khi đó doanh nghiệp kia không thực hiện.

Hơn nữa, việc trốn tránh không thực hiện hoặc trì hoãn thực hiện trách nhiệm này không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn cho thấy một số doanh nghiệp còn thiếu trách nhiệm đối với môi trường và cộng đồng. Chính vì vậy, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đã đưa ra mức phạt nghiêm khắc lên đến 2 tỷ đồng đối với doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ này. Ngoài ra, các doanh nghiệp vi phạm có thể bị công khai tên doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng trong một số trường hợp, lúc đó thì uy tín và sức cạnh tranh thương hiệu của doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

PV: Vậy, sau khi doanh nghiệp thực hiện nghiêm nghĩa vụ đóng góp, các cơ quan chức năng đã và sẽ có những quy định nào để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn đóng góp này, thưa ông?

Ông Phan Tuấn Hùng: Công khai, minh bạch và đúng mục đích là yếu tố quyết định thành công trong việc quản lý, sử dụng nguồn đóng góp của các doanh nghiệp. Theo đó, Bộ TN&MT đang khẩn trương xây dựng Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

8-1-.jpgTái chế, xử lý chất thải sẽ tăng giá trị cạnh tranh của doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Oanh

Dự kiến, tiền đóng góp hỗ trợ tái chế sẽ dùng để hỗ trợ trực tiếp cho các nhà tái chế theo khối lượng vật liệu tái chế trên cơ sở xem xét tiêu chí tỷ lệ thu hồi vật liệu, công nghệ và hiệu quả tái chế. Đối với tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải thì sẽ dùng hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng: (1) các dự án thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt của địa phương, đặc biệt là các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; (2) các hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, môi trường…

Các hoạt động hỗ trợ nêu trên đều phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích, tuyệt đối không sử dụng cho các mục đích khác ngoài mục đích hỗ trợ tái chế và hỗ trợ xử lý chất thải.

Xin khẳng định, nguồn tài chính này không phải là thuế, phí nên không đưa vào ngân sách mà sẽ được hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì hoặc xử lý chất thải sinh hoạt, tuân thủ nguyên tắc quản lý, sử dụng minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích. Đây là nguồn tài chính bổ sung quan trọng bên cạnh ngân sách địa phương để góp phần giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt vốn rất búc xúc hiện nay. Nguồn tài chính này không chỉ tạo ra cơ hội, động lực cho các doanh nghiệp tái chế mà còn giúp giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, đặc biệt là các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng tài chính đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải đều phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt, thông qua Hội đồng EPR quốc gia thì nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ có sự tham gia giám sát, quyết định việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính này.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bài viết liên quan

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here

Bài viết mới nhất