Ngày 29/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi tiếp ông Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) thăm, làm việc tại Việt Nam. Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam quyết tâm và đang nỗ lực thực hiện các cam kết tại COP26,…
Tham dự buổi tiếp còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà,…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma
Tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma trở lại thăm Việt Nam để trao đổi về hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy việc thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng giữa Việt Nam và một số đối tác phát triển. Đồng thời, đánh giá cao vai trò của Vương quốc Anh cùng các nỗ lực của cá nhân Ngài Chủ tịch COP26 trong việc thúc đẩy hợp tác toàn cầu nhằm thực thi mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam là một trong những nước đi đầu và là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Tại Hội nghị IPU – 132 tổ chức tại Hà Nội do Việt Nam đăng cai tổ chức, Quốc hội Việt Nam và Chính phủ Việt Nam là 1 trong những nước đầu tiên trên thế giới đề xuất và đưa khung khổ phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc đến 2030 vào khung khổ phát triển quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, vì vậy Việt Nam luôn tự nhận thức và ý thức được những việc cần phải làm trong lĩnh vực này. Mặc dù, gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam quyết tâm triển khai các cam kết tại COP26. Trong đó, có cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Đây cũng là chủ trương, mục tiêu của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời, thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong các nỗ lực chung toàn cầu.
Nhắc lại cuộc gặp với Chủ tịch COP26 tại Anh tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho biết, để triển khai các cam kết này, Chính phủ Việt Nam đã thông qua một loạt văn bản quan trọng như: Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Về lĩnh vực năng lượng, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) theo hướng khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, năng lượng tái tạo; giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than, không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030;…
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc chuyển đổi năng lượng theo các cam kết quốc tế cần tính tới trình độ phát triển của các quốc gia, cần đảm bảo sự công bằng, bền vững; cần cam kết mạnh mẽ, trách nhiệm cao hơn của các quốc gia phát triển và cần tính tới tình hình thế giới đang thay đổi nhanh chóng, thách thức trực tiếp việc hiện thực hóa các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và kết quả của COP-26.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Chủ tịch COP26 đã thúc đẩy để Chính phủ Anh, EU và một số đối tác phát triển khác hỗ trợ tiến trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam thông qua đàm phán Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng, trong Tuyên bố chính trị này, Chính phủ Anh, EU và một số đối tác phát triển khác sẽ có những cam kết mạnh mẽ hỗ trợ Việt Nam một cách lâu dài, bền vững để Việt Nam có thể vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa giảm phát thải, vừa giải quyết được các vấn đề xã hội liên quan.
Nhấn mạnh mọi tiến trình đàm phán đều rất khó khăn, phức tạp, đặc biệt là đàm phán về một nội dung quan trọng như chuyển đổi năng lượng công bằng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch COP26 có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy tiến trình này. Cho rằng, đây bài toán rất khó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần trao đổi kỹ lưỡng, cởi mở, công bằng và thật sự khách quan, tăng cường sự tin cậy và lắng nghe để tìm được tiếng nói chung, để việc thực hiện đạt hiệu quả.
Khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ và đồng hành với Chính phủ trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nội luật hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu để hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện cho phát triển các-bon thấp, giảm phát thải, tạo đột phá cho thu hút các dòng vốn đầu tư, tài chính xanh từ các đối tác quốc tế vào Việt Nam; đồng thời, cũng cần quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng.
Bày tỏ vui mừng và cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian tiếp phái Đoàn, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma cho biết, đây là chuyến thăm thứ 3 tại Việt Nam sau 18 tháng – điều này thể hiện cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng trong hợp tác đối với Việt Nam.
Đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Cop26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0”, Chủ tịch COP26 đã có nhiều chia sẻ về nội dung liên quan đến Chương trình thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng; Chiến lược biến đổi khí hậu quốc gia của Việt Nam công bố vào tháng 7/2022, Tổng sơ đồ điện VIII, Giải pháp thực hiện cam kết để hướng đến phát thải ròng về “0”,…
Nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề an ninh năng lượng, Chủ tịch COP26 cho biết, đây là mối quan tâm của rất nhiều quốc gia đặc biệt, trong bối cảnh biến động như hiện nay. Các quốc gia đều cố gắng đáp ứng nhu cầu về năng lượng để duy trì hoạt động kinh tế cũng như đời sống của người dân. Một số quốc gia tại Liên minh Châu Âu đã có chính sách ứng phó và đạt được mục tiêu đáp ứng được nhu cầu năng lượng tức thời cũng như thúc đẩy kịp thời chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, đẩy mạnh điện mặt trời,..
Chủ tịch COP26 cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới, sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo liên quan đến các vấn đề về kỹ thuật, chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam và quan điểm là cần phải thúc đẩy lộ trình giảm điện than,… Ngoài ra, Chủ tịch COP26 cũng mong muốn Quốc hội Việt Nam sẽ sửa đổi, cập nhật những quy định pháp lý mới để tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, sửa đổi lại văn bản cần thiết như: hợp đồng mua bán điện,…
Bày tỏ hy vọng vào Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng – 1 tuyên bố chính trị rất là quan trọng để các nước cùng hiện thực hóa những cam kết, Chủ tịch COP26 mong muốn Việt Nam sẽ tích cực tham gia và cùng chung tay trong quá trình thực hiện.