Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức nghiêm trọng của nhân loại, tác động đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Báo cáo đánh giá khí hậu lần thứ 6, nhóm công tác II (AR6 WGII) về “Tác động, khả năng thích ứng và tính dễ bị tổn thương” được Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu công bố tháng 2/2022 đã chỉ ra những vấn đề đáng lo ngại về BĐKH,
Thời tiết cực đoan diễn ra ở mọi nơi trên trái đất, bầu khí quyển và biển đang nóng lên với tốc độ chưa từng có trong lịch sử.BĐKH diễn ra bất thường và nghiêm trọng hơn dự báo; hạn hán, nắng nóng khắc nghiệt và lũ lụt kỷ lục đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu người.
Các yêu cầu mới
Kết quả hơn 20 năm đàm phán, Thỏa thuận Paris về BĐKH đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP21) năm 2015. Thỏa thuận nhằm mục đích giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng trong thế kỷ này ở ngưỡng dưới 20C so với mức tiền công nghiệp và theo đuổi nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,50C. Kể từ năm 2021, Thỏa thuận Paris chuyển sang giai đoạn bắt buộc thực hiện, mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời phải giảm phát thải khí nhà kính (KNK) theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của quốc gia. Việc triển khai ứng phó và hỗ trợ cho ứng phó BĐKH của các quốc gia cần được đặt ở vị trí trung tâm, hướng tới thực hiện mục tiêu toàn cầu; được thực hiện một cách minh bạch, có sự giám sát của quốc tế.
Đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ Hội nghị COP26. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực trong ứng phó với BĐKH. Cùng với những thách thức, đây cũng là cơ hội tận dụng từ xu thế phát triển carbon thấp toàn cầu, giảm phát thải KNK sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.
Trước xu hướng phát triển năng lượng sạch và thoát ly dần nguồn năng lượng hóa thạch, Việt Nam đã tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; thu hút các dòng tài chính xanh để chuyển dịch từ đầu tư phát triển điện than sang phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và giá dầu lên cao tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, nhiều quốc gia đã đưa ra các gói hỗ trợ nhằm thúc đẩy phục hồi xanh sau khủng hoảng như hỗ trợ phát triển hạ tầng và công nghệ sạch, giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, hỗ trợ các giải pháp dựa vào thiên nhiên, làm thay đổi bức tranh toàn cầu về ứng phó với BĐKH.
Để thực hiện nhiệm vụ ứng phó với BĐKH trong tình hình mới, đòi hỏi phải tham gia sâu và thực chất vào nỗ lực chung của toàn cầu, chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp, thực hiện các giải pháp thích ứng với BĐKH dựa vào tự nhiên, hệ sinh thái và cộng đồng, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, chính sách ở nước ta.
Chủ động hoàn thiện hệ thống chính sách
Công tác ứng phó với BĐKH ở nước ta đã đạt được kết quả ban đầu quan trọng, nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, hành động ứng phó với BĐKH đã được ban hành và triển khai thực hiện.
“Chủ động ứng phó hiệu quả với BĐKH, phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, giảm nhẹ phát thải KNK” là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI, chủ động ứng phó với BĐKH là một trong những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn và quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó ứng phó với BĐKH phải đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra các mục tiêu cụ thể, trong đó các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm tỷ trọng điện than, phát triển năng lượng tái tạo và giảm phát thải KNK để phát triển bền vững đất nước.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là cơ sở pháp lý quan trọng định hình chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh” cùng với các quy định về ứng phó với BĐKH bao gồm thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK, bảo vệ tầng ozone; đặc biệt, quy định về phát triển triển thị trường carbon như là công cụ để thúc đẩy mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK. Triển khai thi hành Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozone (Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022); Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK (Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022), Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia (Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 28/1/2022), Thông tư của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với BĐKH (Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 7/1/2022) trong đó quy định chi tiết về đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các cam kết về ứng phó với BĐKH của Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu minh bạch quy định tại Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thoả thuận Paris.
Sau Hội nghị COP26, Bộ TN&MT đã tổ chức xây dựng Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030. Các bộ, ngành liên quan đã xây dựng Kế hoạch hành động triển khai kết quả Hội nghị COP26 thuộc phạm vi quản lý của ngành. Đây là những văn bản nhằm triển khai thực hiện trách nhiệm của quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, Thoả thuận Paris về BĐKH, các quyết định của Hội nghị COP, đặc biệt là triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Trước xu thế BĐKH và bối cảnh toàn cầu mới, Việt Nam đã chủ động ứng phó với BĐKH thông qua việc hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý Nhà nước về BĐKH. Ứng phó với BĐKH đã được quan tâm và cần đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, hướng tới thực hiện mục tiêu giải quyết khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Trong giai đoạn sắp tới, cần tiếp tục triển khai toàn diện các giải pháp để ứng phó với BĐKH thực chất, hiệu quả và minh bạch, đồng thời, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm mục tiêu là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách, thể chế BĐKH là nhiệm vụ hàng đầu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước cũng như để phát huy hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực.