Thứ năm, Tháng Một 23, 2025

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
CỤC BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN CÁC-BON THẤP

Trang chủBiến đổi khí hậuXây dựng cơ chế tài chính toàn cầu cho chi trả dựa...

Xây dựng cơ chế tài chính toàn cầu cho chi trả dựa trên kết quả giảm phát thải

Ngày 8/11, trong khuôn khổ Hội nghị COP 27 đang diễn ra tại Ai Cập, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tham gia Cuộc họp cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB), về vấn đề đẩy mạnh các chương trình giảm phát thải bằng cách sử dụng các nguồn tài chính khí hậu dựa trên kết quả.

Cùng dự có ông David R. Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới; ông Filipe Jacinto Nyusi, Tổng thống Nước Cộng hòa Mozambique; bà Samia Suluhu Hassan, Tổng thống nước Cộng hòa Thống nhất Tanzania; bà Jennifer J. Sara, Giám đốc Toàn cầu Nhóm làm việc về Biến đổi Khí hậu (WB).

Trong sự kiện cấp cao này, Chủ tịch WB đã giới thiệu về SCALE – một cơ chế mới nhằm kêu gọi tài chính cho biến đổi khí hậu. Cơ chế này sẽ tập hợp những đóng góp tài chính nhằm tài trợ cho các hành động khí hậu trên toàn cầu, sau đó, chi trả dựa trên cơ sở kết quả giảm phát thải khí nhà kính có sự kiểm chứng. Cộng đồng địa phương và người dân bản địa cũng sẽ được tiếp cận với nguồn tài chính khí hậu này. Từ đó, góp phần xây dựng những chương trình giảm phát thải có quy mô và hiệu quả cao hơn, đảm bảo đem lại lợi ích cho cộng đồng.

5-a1..jpg
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Cuộc họp cấp cao của Ngân hàng Thế giới

Tại cuộc họp, đại diện các quốc gia đã chia sẻ về chính sách khí hậu tại đất nước mình và nhu cầu tài chính cho giảm phát thải. Theo ông Filipe Jacinto Nyusi, Mozambique là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có chương trình áp dụng chi trả dựa trên kết quả giảm phát thải, triển khai trong lĩnh vực lâm nghiệp. Hiện nay, dự án của WB về tín chỉ CO2 từ rừng chi trả cho hàng triệu tấn CO2 mỗi năm. Nguồn thu sẽ được chia tới cộng đồng, cho khu vực tư nhân và đóng góp vào ngân sách chung với tỷ lệ nhất định. Tuy nhiên, phần lớn là dành cho cộng đồng như một giải pháp cải thiện điều kiện sống, nâng cao thu nhập, hỗ trợ sinh kế.

Về phía Tanzania, bà Samia Suluhu Hassan cho biết, tài trợ của WB giảm khí nhà kính được sử dụng cho các dự án về giao thông thân thiện môi trường, xử lý rác thải, điện khí hóa các phương tiện. Ngoài ra, còn có các hỗ trợ về nông nghiêp phát triển bền vững, sức khỏe con người. Các quốc gia trong khu vực cũng hợp tác nhằm chia sẻ nguồn điện từ năng lượng tái tạo, thay thế một phần điện than.

Tại Việt Nam, việc sử dụng các công cụ chi trả dựa trên kết quả đã được triển khai trong lĩnh vực lâm nghiệp và năng lượng tái tạo. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hỗ trợ của WB tại việt Nam có những ưu tiên khác nhau trong từng giai đoạn, từ xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp, công nghiệp hóa hiện đại hóa đến giao thông vận tải. Hiện nay, trọng điểm là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng.

Bộ trưởng cho rằng, một cơ chế mới rất cần thiết nhằm phát huy vai trò của WB trong việc kết nối các nguồn quỹ như: Quỹ môi trường, quỹ biến đổi khí hậu và các quỹ khác. Việt Nam hoan nghênh mô hình hỗ trợ của WB gần đây, có dự án hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư bao gồm đóng góp của Chính phủ, các nhà đầu tư tư nhân. Đây là một hình thức quan trọng trong thời gian tới.

Việt Nam mong muốn chuyển đổi từ điện than sang năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi do có tiềm năng năng lượng gió lớn. Với cơ chế mới, Việt Nam kỳ vọng, WB sẽ điều phối tốt nhất, hiệu quả nhất nhằm tạo ra nguồn tài chính khí hậu để hỗ trợ Việt Nam thực hiện những hoạt động giảm phát thải ưu tiên – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David R. Malpass, các nỗ lực của các quốc gia của Việt Nam được thể hiện rất rõ nét trong các báo cáo về biến đổi khí hậu và phát triển. Điều này giúp kiểm chứng kết quả giảm phát thải bằng những công cụ phù hợp. WB có mối quan hệ đối tác lâu dài với Việt Nam, đặc biệt là trong quá trình tiến hành chương trình chuyển đổi năng lượng cho các quốc gia và khu vực.

Giai đoạn tới, WB sẽ kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng thế giới, các nhà tài trợ và công ty tư nhân dựa vào Quỹ Climate action. Tại Hội nghị COP27, WB sẽ đưa ra những tiêu chí về các dự án giảm phát thải khí nhà kính có thể nhận được hỗ trợ từ sáng kiến mới về cơ chế tài chính khí hậu dựa trên kết quả và nếu thành công, đây có thể trở thành sáng kiến có quy mô tác động lớn nhất trên toàn cầu.

SCALE được xây dựng dựa trên 20 năm kinh nghiệm của Ngân hàng Thế giới trong việc cấp tín dụng giảm phát thải. Mối quan hệ đối tác mới sẽ được tích hợp hoàn toàn trong các hoạt động của Nhóm Ngân hàng Thế giới, giúp khuếch đại tài chính khí hậu với các khoản thanh toán viện trợ không hoàn lại dựa trên kết quả. Bằng cách cung cấp hỗ trợ nâng cao năng lực, SCALE sẽ giúp các quốc gia tiếp cận thị trường carbon quốc tế và huy động thêm nguồn tài chính tư nhân.

Bài viết liên quan

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here

Bài viết mới nhất